Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2013

Tôi muốn một người cha oai hùng

Rất nhiều người tự hào khi có người chồng, người cha tốt nhưng với gia đình tôi, hình như đó là điều không thể …

Tôi vốn sinh ra trong gia đình nền nếp, bố là đại tá quân đội về hưu, mẹ là giáo viên. Gia đình tôi luôn được coi như kiểu mẫu để hàng xóm láng giềng phải học tập, noi gương. Sự nghiêm khắc của cha và tình yêu thương của mẹ đã giúp con cái mau chóng  trưởng thành nên từ trong máu, tôi đã ăn sâu quan niệm rằng, mình sẽ tiếp nối cha, trở thành một người đàn ông mẫu mực và đích thực.

Ban đầu khi con chưa ra đời, tôi cũng là một thanh niên khá phóng khoáng và thoải mái, nhưng khi vợ đã có bầu, tôi đã tự nhủ với bản thân rằng mình phải làm thế nào cho xứng đáng là một người cha. Tôi đã bỏ dần những bữa nhậu nhẹt với bạn bè, dành nhiều thời gian cho vợ nhiều hơn. Đến khi cô ấy sinh con, tôi cố gắng để có thể làm việc nhà cùng vợ. Mặc dù con còn nhỏ nhưng tôi đã thống nhất với vợ rằng, nuôi con là việc của vợ, dạy con là việc của chồng.

Để thực hiện mục đích đó, tôi luôn cố gắng làm một người cha mẫu mực. Tôi quan niệm rằng “yêu cho roi cho vọt”, dù thương con nhưng tôi vẫn phải thực hiện nghiêm lệnh hà khắc với con cái, tôi không cho vợ chiều con quá, tôi luôn giữ khoảng cách với con bởi nếu gần quá con sẽ nhờn mặt. Trước đây bố tôi luôn đưa thuyết Khổng Tử ra dậy con nên bây giờ tôi cũng áp dụng điều đó với con mình. Thực tế đã chứng minh là tôi đúng, hồi nhỏ cháu rất ngoan và sợ tôi, đi đâu về chỉ cần tôi lừ mắt là cháu sợ. Với mẹ, cháu còn hay vòi vĩnh nhưng chỉ một câu : “không” của bố thì cháu không dám đòi hỏi gì thêm nữa. Nếu cháu làm gì sai, chỉ cần tôi nghiêm mặt là ngay lập tức cháu phải quỳ xuốn,g viết bản kiểm điểm và tự đưa ra hình phạt cho mình.

Nhưng tuy nhiên, khoảng hai năm gần đây, khi cháu học cuối cấp hai thì càng ngày cháu càng thay đổi. Cháu trở nên lỳ và bướng bỉnh hơn, thậm chí cháu không còn sợ những tiếng gầm gừ của tôi, hoặc tỏ ra sẵn sàng chịu đòn roi mà bố đưa ra. Hiện giờ có chuyện gì con tôi cũng nói chuyện với mẹ mà không trao đổi với tôi nữa, tôi nói với mẹ cháu rằng đừng chiều cháu quá nhưng vợ tôi hình như cũng chả để ý gì. Có lúc hai vợ chồng mâu thuẫn với nhau, tôi quát vợ thì bị con nói: “bố đừng có nói kiểu như thế, thời bây giờ không giống như ngày xưa đâu mà bố có quyền áp đặt mẹ”. Tôi thực sự quá bất ngờ vì không ngờ con lại dám cãi lời mình. Tôi chỉ muốn con trưởng thành và nên người. Tôi đâu có gì sai, tôi muốn dạy con như bố tôi thì làm sao chứ?


Chào anh!

Cuộc sống của mỗi gia đình rất khác nhau, điều đó tạo nên một xã hội đa dạng và đầy màu sắc. Anh hài lòng với cách nuôi dạy con của bố mẹ mình và mong muốn con cái mình cũng ngoan ngoãn và thành đạt. Tôi tin rằng cha mẹ nào cũng có mong muốn như vậy. Chính vì điều đó mà anh đã và đang áp dụng phương pháp giáo dục của bố đã từng làm. Với anh, như vậy là rất ổn, nhưng không có nghĩa điều đó đúng với mọi đứa trẻ, cụ thể như trong trường hợp của con anh.

Hiện giờ anh có hiểu được con cái đang cần gì không? Rất có thể điều chúng cần nhiều hơn ở một người cha là việc làm bạn với con và tâm sự để hiểu con cái muốn gì, suy nghĩ gì.

Sự oai hùng của người cha không thể hiện ở sự nghiêm khắc hay đòn roi mà chính là tình yêu thương và chia sẻ với con cái. Trước đây ông bà ta thường dạy “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, quan điểm đó đã làm bao đứa trẻ phải sống trong sợ hãi và bạo lực. Thậm chí, xã hội còn có xu hướng đổ lỗi cho người vợ, người mẹ trong gia đình nếu chiều con cái “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” - những cách suy nghĩ này không chỉ khiến các ông bố phải gánh thêm áp lực về việc dạy con, mà còn chối bỏ quyền của phụ nữ trong vấn đề dậy dỗ con cái.

Nhưng hiện nay trẻ được tự do nhiều hơn, chúng đã có cơ hội được thể hiện quan điểm cá nhân của mình. Con cái là một phần cuộc sống của chúng ta, điều mà chúng ta đang hướng tới là sự hòa thuận, là hạnh phúc trong gia đình chứ đâu phải việc củng cố quyền lực của bất kì cá nhân nào. Câu chuyện của anh làm tôi nhớ đến một chuyện đã từng đọc:

Một con voi bị xích trong vườn thú bởi một sợi xích mỏng manh, đó là một con voi hoàn toàn có đủ sức mạnh để phá tung sợi xích mỏng manh đó và thoát ra ngoài nhưng nó vẫn nằm ngoan ngoãn chấp nhận bị cầm tù bởi ngay từ nhỏ đã bị xích như thế. Mỗi lần nó phá xích thì lại có người đánh đập, cứ như vậy cho đến lúc dần dần nó mất hoàn toàn ý nghĩ muốn phá xích, nó không biết dùng sức mạnh để tự cứu lấy mình mặc dù chân chỉ xích bằng sợi xích mỏng manh đã xích chúng từ nhỏ.

Anh có muốn con cái mình như con voi đó không? Tôi nghĩ hẳn anh đã có câu trả lời cho vấn đề của mình!
Vũ Ánh Tuyết- CSGA